Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng - Phó Trưởng ban Ban Soạn thảo Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương chủ trì Phiên họp.
|
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Phiên họp |
Tham dự Phiên họp có các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện Lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành có liên quan đến công tác xây dựng Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Tại Phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn công bố Quyết định số 179/QĐ-BNV ngày 04/3/2014 về việc thành lập Ban Soạn thảo Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và trình bày Báo cáo về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, bố cục và những nội dung cơ bản của Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Báo cáo).
|
Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn trình bày Báo cáo tại Phiên họp |
Báo cáo nêu rõ việc xây dựng Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một yêu cầu cấp thiết, xuất phát từ những quy định mới trong Hiến pháp năm 2013 và những chủ trương, định hướng của Đảng về phân cấp mạnh và rõ hơn giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương cần được thể chế hóa trong Luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Bên cạnh đó, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở một số đơn vị hành chính thời gian qua và việc đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng cũng đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu về mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp.
Bố cục của dự án luật gồm 9 chương, tập trung vào những nội dung cơ bản sau: Vị trí, tính chất, chức năng của chính quyền địa phương; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND; tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND; tăng cường tính tự quản của chính quyền cơ sở; công khai, minh bạch và phát huy dân chủ.
Tại Phiên họp, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho các nội dung của Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, các đại biểu đều thống nhất quan điểm khi xây dựng Dự thảo, Ban Soạn thảo, Tổ biên tập cần bám sát Hiến pháp 2013 vừa được ban hành, đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính, kế thừa được những ưu điểm của Luật số 11/2003/QH11 của Quốc hội: Luật Tổ chức HĐND và UBND. Các đại biểu cũng cho rằng nên xem xét kỹ hơn một số quan điểm đưa ra trong Báo cáo và việc lựa chọn mô hình chính quyền địa phương cần phải nhất quán, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Kết luận tại Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng đề nghị Bộ phận thường trực Ban Soạn thảo và Tổ biên tập ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, tập trung chỉnh sửa, lên kế hoạch cụ thể để hoàn thiện Báo cáo, theo hướng Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời kế thừa Luật số 11/2003/QH11 của Quốc hội: Luật Tổ chức HĐND và UBND và sửa đổi nội dung không còn phù hợp; nội dung Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải thể hiện được đầy đủ những quan điểm, định hướng và nội dung chính mà Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cần phải có để tháng 7/2014 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
|
Quang cảnh Phiên họp |