Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, làm sáng tỏ những vấn đề chung mang tính định hướng về tổ chức bộ máy nhà nước; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương và các thiết chế Hiến định độc lập theo Hiến pháp năm 2013.
Các đại biểu cho rằng: Tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 cần đảm bảo nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa và chủ quyền nhân dân; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời đảm bảo nguyên tắc tính thống nhất, sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Theo TS Vũ Công Giao - Viện Chính sách công và Pháp luật: Một số quy định mới trong Hiến pháp 2013 đã tạo cơ hội cho những cải cách theo hướng xây dựng một nền quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình, đáp ứng được những yêu cầu phát sinh từ quá trình dân chủ hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tiến sĩ Vũ Công Giao phân tích: "Một loạt những quy định mới được sửa đổi trong Hiến pháp năm 2013 cho thấy cố gắng của các nhà lập hiến trong việc tạo lập khuôn khổ mới cho việc quản trị quốc gia. Cụ thể như điều 2 bổ sung vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; điều 55 và điều 112 quy định về bổ sung vấn đề phân quyền giữa trung ương và địa phương theo mô hình phát triển, cho phép chính quyền địa phương có ngân sách riêng; quy định về việc thiết lập 2 cơ quan hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước, làm rõ hơn vai trò phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên".
Theo các đại biểu, để đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, không chỉ hiểu tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp mà điều quan trọng là cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung, ban hành cho phù hợp.
Theo đó, các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là Luật tổ chức Quốc hội cần phải tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa theo tinh thần của Hiến pháp 2013./.