GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
Không thể giảm nổi
Một thực tế đã được chỉ ra là bộ máy nhà nước ta quá cồng kềnh nên phải dành rất nhiều tiền ngân sách cho trả lương, phụ cấp và nhiều việc khác. Nhưng càng muốn tinh giản thì bộ máy càng phình, thưa ông?
Đúng vậy. Nhà nước cũng nhận ra điều này từ lâu và đã nhiều lần đặt ra vấn đề tinh giản biên chế. Ngay từ thời tôi còn là một cán bộ trẻ đã nghe chuyện tinh giản biên chế rồi.
Đến bây giờ, tôi đã quá tuổi nghỉ hưu gần 7 năm, vẫn đang thấy bàn chuyện tinh giản biên chế.
Bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của mình quá cồng kềnh. Ở nước ngoài, người ta chỉ có một chính quyền; công chức, viên chức chỉ trong một hệ thống. Còn ở Việt Nam nhiều hệ thống chồng chéo lên nhau.
Ngoài chính quyền ra còn có bộ máy cán bộ Đảng, Mặt trận Tổ chức, Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCS, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... Đó là chưa kể những hội khác tuy không quan trọng bằng và không có bộ máy lớn như MTTQ hay LĐLĐ nhưng vẫn ăn lương nhà nước như Liên hiệp các hội KHKT, Liên hiệp các hội VHNT, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo...
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; người lao động trong các trường công, bệnh viện công, báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp nhà nước … cũng là cán bộ, viên chức nhà nước.
Có thể nói rằng con số người ăn lương nhà nước quá lớn. Mà đã ăn lương nhà nước thì hội cũng có thang bậc như các cơ quan bên chính quyền.
Ví dụ lương và các chế độ ưu đãi khác của Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam ngang Bộ trưởng; trưởng các Ban của những tổ chức này ngang Vụ trưởng ...
Một thực trạng nữa ở nước ta là cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước tuyển người thường không xuất phát từ vị trí việc làm. Lẽ ra phải quy định được các việc phải làm của mỗi cơ quan, đơn vị, rồi trên cơ sở đó mới tuyển người làm từng việc.
Nhưng mình thường làm quy trình ngược, tuyển người trước, tính việc sau.
Gần đây, Bộ Nội vụ có đề xuất chỉ tiêu giảm 100.000 biên chế trong thời gian từ 2014-2020. Ông đánh giá sao về dự thảo này?
Khi được hỏi căn cứ vào đâu mà đưa ra con số giảm 100.000 biên chế thì lãnh đạo một Cục thuộc Bộ Nội vụ nói đấy là con số đại khái thôi chứ chưa có điều tra, nghiên cứu gì.
Điều đó chứng tỏ rằng ngay Bộ Nội vụ là cơ quan đưa ra con số này thực ra cũng không sốt sắng với chuyện tinh giản biên chế. Vì họ biết là không thể làm được, chứ không phải là họ không muốn làm.
Cứ xem từ trước đến giờ, nhà nước muốn giảm số cơ quan đầu mối nhưng giảm đầu mối rồi mà có giảm được biên chế đâu. Các Bộ nhập vào lại sinh thêm Tổng cục. Không mấy Bộ không có Tổng cục. Thêm Tổng cục thì biên chế lại tăng.
Nhiều khi Quốc hội thông qua một luật mới lại thêm một cơ quan mới được ra đời. Ví dụ ban hành Luật Trợ giúp Pháp lý thì có thêm Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, đồng thời các Sở cũng phải có thêm Phòng.
Trong khi cố gắng thu đầu mối ở Trung ương chưa xong thì ở địa phương, quận, huyện, phường, xã vẫn tiếp tục được chia tách. Mỗi lần tách là thêm bao nhiêu người phục vụ bộ máy mới.
Cũng có trường hợp nhập nhưng nhập cũng chẳng giảm được biên chế nào. Ví dụ, Hà Nội và Hà Tây sáp nhập với nhau, chẳng có cơ quan nào giảm được biên chế; có Sở hơn 10 Phó GĐ cũng vẫn phải chấp nhận.
Vì sao khó giảm biên chế như vậy, thưa ông?
Bởi vì nó liên quan đến chuyện con người cụ thể, không ai muốn giảm ai cả. Ở mỗi cơ quan, đơn vị cụ thể, rất khó để đưa ai ra khỏi biên chế, kể cả những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trước hết là vì hoàn cảnh kinh tế của nước mình. Người ta đang có công ăn việc làm, bây giờ vì lý do giảm biên chế, mình đẩy người ta ra thì không nỡ. Ra khỏi biên chế rồi, nhiều người sẽ loay hoay, vất vả, hoặc không sống nổi vì họ không biết làm việc gì khác.
Thứ hai nữa là đưa một người ra khỏi biên chế không hề đơn giản. Bởi vì thủ tục để cho người ta nghỉ phức tạp lắm và rồi thủ trưởng cơ quan, đơn vị dễ chuốc lấy cái rủi ro kiện cáo lôi thôi, nên không ai dại gì.
Thứ ba là con ông cháu cha. Con cháu các cụ cài cắm ở đấy làm sao đưa ra khỏi biên chế được. Mà công tử, tiểu thư thì thường làm ăn kém nhưng chẳng sợ gì ai.
Phải đổi mới thể chế
Thưa ông, với một bộ máy cồng kềnh nhiều tổ chức bám vào ngân sách nhà nước như hiện nay thì có nên khuyến khích các tổ chức đoàn thể tự lo lấy kinh phí hoạt động không?
Bây giờ nói các tổ chức đoàn thể tự lo lấy kinh phí thì họ cũng chẳng lo được.
Tôi nhớ Quốc hội khóa XI có đưa ra Dự thảo Luật về hội. Nhưng tranh cãi một hồi thì không thông qua được, đành phải xếp lại đấy thôi.
Vì sao? Nếu bây giờ cho thành lập hội thì các hội phải tự lo. Nhưng có 6-7 tổ chức hội rất đặc biệt, không thể để tự lo được. Không lẽ luật pháp cư xử với mỗi loại hội một khác? Dĩ nhiên, đó chỉ là một lý do chưa thông qua được Luật về hội.
Đấy, mình đã tìm đủ cách giảm rồi nhưng không giảm được. Cho nên câu chuyện giảm biên chế thực sự không có triển vọng gì cả. Nhưng mà biên chế đông như thế này thì ai mà lo nổi được lương?
Nếu đồng lương trả cho người ta thấp thì người ta làm việc không có năng suất, và lương thấp cũng là một nguyên nhân phát sinh tham nhũng.
Nhiều người đã so sánh rằng không có quốc gia nào trên thế giới mà lương giáo sư, nhà khoa học lại chỉ bằng một nửa lương của đại tá như ở Việt Nam?
Đúng vậy. Tôi được phong giáo sư từ năm 1996, lên đến hết bậc công chức rồi, ngoài ra còn có phụ cấp trách nhiệm tương đương Thứ trưởng, nhưng lương hưu của tôi chỉ bằng lương hưu thượng tá.
Vậy thì lương một giáo sư bình thường không thể so với lương một ông đại tá được.
Mà thời gian công tác để lên đại tá thường ngắn hơn thời gian công tác để được phong giáo sư. Anh em bộ đội, công an ở biên giới, hải đảo thì không nói làm gì, nhưng có rất nhiều anh em ở các thành phố lớn cũng sáng cắp ô đi tối cắp về như mọi công chức, viên chức khác.
Nói thế không phải để tị nạnh nhưng phải thấy nhà nước gánh một gánh quá nặng mà không có cách gì giảm được.
Gần đây các đại biểu Quốc hội còn xới lên câu chuyện lạm phát cấp phó. Cấp phó ở các nước rất hạn chế. Hoa Kỳ là nước lớn như thế nhưng chính phủ chỉ có Tổng thống và một Phó Tổng thống.
Thụy Sĩ chỉ có 7 Bộ trưởng, thay phiên nhau làm Tổng thống mỗi năm. Họ chỉ cần một bộ máy đơn giản như thế mà điều hành cả một nền kinh tế với hệ thống nhà băng khổng lồ.
Ở nước ta, các đại biểu Quốc hội đã nêu một con số khiến ta giật mình: Nếu giảm bớt cấp phó đi thì ngân sách nhà nước tiết kiệm được mỗi năm 4.000 tỉ đồng.
Trở lại câu chuyện đồng lương và các tổ chức của mình như thế, chuyện giảm biên chế không có hy vọng giải quyết. Người không làm được việc, thậm chí làm hỏng việc cứ ngồi ì ra đấy. Trên đã ngồi ì thì dưới cũng ngồi ì.
Thực tế là chẳng ai chịu rút lui và cơ chế cũng không cho ai rút lui.
Bây giờ, theo ông, cần giải pháp nào?
Chính phủ đã đưa ra kế sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa một số lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao.
Nghị quyết 77 ngày 24/10/2014 vừa rồi của Chính phủ cho phép các trường đại học, cao đẳng thí điểm tự chủ toàn diện, nghĩa là không nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước nữa mà hoàn toàn dựa vào nguồn thu học phí.
Một số cơ sở thể thao, văn hóa tự chủ như Đài THVN, Đài TH TP.HCM, VTC... đều phải tự lo. Nhưng giải pháp này cũng chỉ đỡ được phần nào thôi chứ không giải quyết căn bản vấn đề.
Bây giờ muốn tinh giản tổ chức nào, đều không được. Bớt ai ra khỏi cơ quan, đơn vị, về cơ bản là không bớt được. Tôi cho rằng vô kế khả thi. Bởi vì cơ chế của mình như thế.
Phải đổi mới cơ chế thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Xin cảm ơn ông!