|
Khen thưởng cho cá nhân và tập thể điển hình của Hội LHPN TP.Tam Kỳ. |
1. Vượt qua số phận tật nguyền, ông Đoàn Nghiêu - thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc đã tự vươn lên, khẳng định được ý chí, nghị lực của một người khuyết tật. Với suy nghĩ “tàn nhưng không phế”, ông Nghiêu đã gầy dựng cơ sở sản xuất đũa tre tình thương duy nhất tại Tam Kỳ. Từ năm 2006, ông bắt đầu làm đũa tre thủ công. Năm 2008 ông mạnh dạn đầu tư máy móc. Đến nay cơ sở có 7 máy chà, 7 máy đóng, 4 máy vót đầu; 2 lò sấy và 2 máy phân ly đũa với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất ra 1 tấn đũa tre thành phẩm. Nhu cầu thị trường ngày càng cao, tiểu thương đến thu mua sản phẩm ngay tại nhà đưa đi tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh. Bản tính ham học hỏi, quyết tâm làm kinh tế để thoát nghèo cùng với việc sẵn sàng sẻ chia với nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đã khiến mọi người khâm phục và yêu quý ông. Hiện cơ sở của ông cung cấp đũa tre thô cho hội viên Hội Người mù thành phố gia công, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hội viên; đồng thời đang giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Ông Đoàn Thanh Lâm (thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc) năm nay 60 tuổi và đã có hơn 8 năm làm việc tại cơ sở của ông Nghiêu. Ông Lâm cho biết: “Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có việc làm, chỉ biết bám vào vài sào ruộng. Được bác Nghiêu giúp đỡ nhận vào làm nên cuộc sống cũng đảm bảo hơn trước”. Giúp đỡ được nhiều người đồng cảnh ngộ như mình trước đây, ông Nghiêu rất vui. “Trong cuộc đời của mỗi người đều có một mơ ước. Làm sao để mơ ước đó thành sự thật là một trăn trở lớn. Tôi luôn suy nghĩ mình nên làm gì để cải thiện cuộc sống. Thế là khi có cơ hội tôi đã tự tìm tòi, học hỏi và gầy dựng được như hôm nay” - ông Nghiêu tâm sự.
2. Từ khi ra đời và hoạt động tại Cụm công nghiệp Trường Xuân đến nay, Công ty TNHH May Tuấn Đạt đã đóng góp rất lớn trong khâu giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách thành phố; đồng thời từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Chú trọng nội dung thi đua “An toàn, năng suất, hiệu quả”, hằng năm, đơn vị phát động toàn thể cán bộ công nhân viên chức người lao động công ty tích cực tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, luôn có ý thức mỗi công nhân là một KCS; tức là vừa là người tạo ra sản phẩm vừa kiểm tra chất lượng sản phẩm. Toàn cán bộ, công nhân viên chủ động sáng tạo trong lao động; đảm bảo an toàn trên các mặt; phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Qua mỗi năm, doanh nghiệp đều mở rộng sản xuất, tăng nguồn thu. Từ năm 2003 chỉ có một phân xưởng đến nay đã có 5 phân xưởng. Năm 2010 doanh thu đạt 202 triệu USD đến năm 2014 đã tăng gấp đôi lên 412 triệu USD; giải quyết việc làm cho 3.500 lao động. Theo bà Ung Thị Thanh Thủy – Trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty TNHH May Tuấn Đạt “Xuất phát từ mong muốn ổn định cho người lao động từ thu nhập, công ăn việc làm; công ty tổ chức phong trào tiết kiệm chi phí sản xuất, từ tiết kiệm phát động tăng năng suất trong sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho công nhân. Từ đây người lao động ý thức được rằng nơi nào tạo công ăn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định thì nơi đó họ đến và làm việc với mình”.
3. Xác định thi đua là động lực, là mục tiêu để mỗi cán bộ công chức đơn vị hăng say làm việc, cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng ngành và thành phố phát triển; Phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ đã có những cách làm hay, sáng tạo. Đầu năm, đơn vị phát động thi đua, giao chỉ tiêu rõ ràng cho từng xã, phường, lãnh đạo và chuyên viên, kịp thời phát động đợt thi đua chào mừng thành lập ngành, hưởng ứng phong trào thi đua của thành phố. Công tác theo dõi, giám sát được thực hiện chặt chẽ. Hàng tháng có biểu dương, khen thưởng những ai làm tốt; khuyến khích chuyên viên mỗi năm xây dựng một sáng kiến kinh nghiệm để áp dụng trong công việc. Tiêu biểu như áp dụng mô hình 3 trong 1 về làm giấy khai sinh, hộ khẩu và bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, tiết kiệm gần 400 triệu đồng mỗi năm. Với những đột phá trong thực hiện phong trào thi đua, 5 năm qua Phòng Tư pháp thành phố luôn là đơn vị dẫn đầu phong trào ngành của tỉnh; là tập thể lao động xuất sắc, nhận nhiều bằng khen của các cấp; đặc biệt đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. “Có được kết quả trên là nhờ sự đồng thuận thống nhất trong toàn thể cán bộ công chức ngành. Mỗi cán bộ công chức phòng và cán bộ tư pháp xã, phường đều cố gắng làm tốt hơn công việc mỗi ngày theo sự chỉ đạo của cấp trên. Mỗi năm đều tìm ra sáng kiến mới để ngành hoạt động hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn”, ông Nguyễn Hồng Lai - Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ cho biết thêm.
Đây chỉ là những cá nhân và tập thể tiêu biểu trong hàng chục, hàng trăm tấm gương điển hình tiên tiến của thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2010-2014. Bằng những gì mình có cộng với sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo những gương điển hình này đã đưa phong trào thi đua của thành phố ngày một lan tỏa.