Trải qua 60 năm hoạt động, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách và việc quản lý nhà nước (QLNN) đối với các hoạt động tôn giáo; góp phần đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân theo đúng quy định pháp luật. Đối với tỉnh Quảng Nam, công tác QLNN về tôn giáo đã được thực hiện như thế nào? Giải đáp vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thọ - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh.
|
Ông Phan Thọ - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh. Ảnh: VĂN TRƯỜNG |
- Thưa ông, từ khi tái lập tỉnh đến nay, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức, kiện toàn như thế nào?
- Ông Phan Thọ: Năm 1997, ngay khi tỉnh Quảng Nam tái lập, để thực hiện công tác QLNN về tôn giáo, UBND tỉnh thành lập Phòng Tôn giáo trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Đối với cấp huyện, nơi nào đủ điều kiện thì được thành lập Ban Tôn giáo thuộc UBND cùng cấp. Những địa phương chưa đủ điều kiện thành lập Ban Tôn giáo, công tác QLNN về tôn giáo được giao cho Văn phòng HĐND - UBND. Năm 2002, thực hiện chủ trương của Trung ương, UBND tỉnh thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc UBND tỉnh. Ở cấp huyện, cơ quan QLNN về tôn giáo tiếp tục trực thuộc VP HĐND, UBND, hoặc UBND cấp đó. Tháng 4.2008, thực hiện Nghị định 13 của Chính phủ, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Nam được sáp nhập vào Sở Nội vụ; ở cấp huyện nhập chung vào Phòng Nội vụ.
- Với tổ chức như vậy, theo ông công tác QLNN về tôn giáo có những thuận lợi, khó khăn gì?
- Ông Phan Thọ: Thuận lợi cơ bản là tinh gọn được bộ máy. Cấp tỉnh được sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Nội vụ, cấp huyện là Trưởng phòng Nội vụ. Ban Tôn giáo tỉnh hoạt động theo cơ chế báo cáo Giám đốc sở và tham mưu trực tiếp Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Bởi vậy, Ban Tôn giáo đã có tính tự chủ cao hơn trong vấn đề tham mưu về giải quyết các nhu cầu tôn giáo theo thẩm quyền. Sở Nội vụ là cơ quan quản lý đa ngành nên khi sáp nhập, cán bộ của Ban Tôn giáo tỉnh có điều kiện tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm ở các lĩnh vực quản lý khác để nâng cao năng lực công tác.
Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn. Với Quảng Nam đó là địa bàn rộng, nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động. Thêm nữa, gần đây là có biến động về hoạt động tôn giáo ở nhiều vùng. Ví dụ, có vùng trước đây không có tôn giáo này hoạt động nhưng nay lại phát sinh mới. Đó còn là tính xáo trộn kiểu đa tôn giáo tín ngưỡng ở một địa bàn dân cư. Trong khi đó hoạt động của Ban Tôn giáo tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, phương tiện phục vụ công tác, chế độ chính sách đào tạo cán bộ. Riêng về cấp huyện, giao chức năng QLNN về tôn giáo cho Phòng Nội vụ nhưng hiện không có cán bộ lãnh đạo chuyên trách và cán bộ giúp việc chuyên trách công tác tôn giáo. Cán bộ làm công tác QLNN về tôn giáo các cấp của tỉnh chưa được đào tạo cơ bản, chưa đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ được giao. Hiện vẫn chưa có cán bộ trình độ trên đại học về lĩnh vực công tác này.
- Để thực hiện tốt hơn công tác QLNN về tôn giáo, ông có kiến nghị đề xuất gì?
- Ông Phan Thọ: Về bộ máy tổ chức và cán bộ, chúng tôi đề nghị Trung ương nên thành lập riêng cơ quan QLNN về tôn giáo, tín ngưỡng. Vì đây là 2 lĩnh vực rộng lớn có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Riêng lĩnh vực tín ngưỡng, hiện nay công tác QLNN còn lỏng lẻo, vướng mắc. Chẳng hạn, Quảng Nam hiện có hơn 600 đình, đền, miếu mạo (chưa kể các nhà thờ tộc họ) nên vấn đề về đất đai, xây dựng, tín ngưỡng, còn nhiều chuyện cần quản lý. Về tôn giáo, có hơn 200 nghìn tín đồ thuộc các hệ phái tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau trong đó 14 tổ chức được nhà nước công nhận. Cạnh đó, còn có rất nhiều tổ chức tôn giáo khác đăng ký hoạt động dưới dạng tổ, nhóm, sinh hoạt tại gia đình… rất khó quản lý.
Với tỉnh, chúng tôi kiến nghị phải có cơ chế đặc thù về đào tạo nguồn nhân lực làm công tác tôn giáo nói chung, công tác QLNN về tôn giáo nói riêng. Đồng thời có chính sách hợp lý để động viên người làm công tác tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!