Dự kiến số lượng cấp phó sẽ tiếp tục giảm trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại phiên họp diễn ra mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong lĩnh vực nội vụ, việc tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nà nước ở Trung ương được quản lý chặt chẽ, cơ quan chuyên môn ở địa phương tiếp tục được giữ ổn định. Nhờ thực hiện nghiêm túc NQ39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế nên thời gian qua biên chế đã không tăng thêm. Bởi, số biên chế được tuyển dụng mới chỉ bằng 50% số biên chế nghỉ hưu. Nếu thực hiện tốt chủ trương này, đến 2021 sẽ giảm 10% số công chức và 20% số viên chức trong tổng biên chế-Phó Thủ tướng cho biết.
Về số lượng cấp phó, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổng số cán bộ cấp Thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ. Một số cơ quan vượt so với quy định do sắp xếp tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ. Tính đến tháng 9/2015, cả nước có 122 Thứ trưởng và tương đương (bằng số lượng đầu nhiệm kỳ); có 242 phó chủ tịch UBND cấp tỉnh (nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì vượt 13 người so với quy định và giảm 1 người so với đầu nhiệm kỳ). Tuy nhiên, số lượng cấp phó ở các Bộ, ngành và địa phương dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
TS Đỗ Quang Tuấn, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, việc tinh giản cấp phó là cần thiết. “Rõ ràng hiện nay bộ máy của chúng ta đang khá cồng kềnh và nhiều cấp phó như thế cũng là không hợp lý. Hơn nữa, trong tất cả các văn bản đều quy định, cấp phó chỉ là cấp giúp việc cho cấp trưởng thôi. Quá nhiều cấp phó như thế là không cần thiết, thậm chí thừa thãi, lãng phí”, ông Tuấn khẳng định.
Thừa nhận bộ máy còn cồng kềnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, tới đây sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm NQ39. “Nghị quyết nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức, đảm bảo tinh giản biên chế được thực hiện khách quan, công bằng, đúng người. Những người thuộc diện tinh giản biên chế phải được thực hiện đủ chính sách, thay vào đó chúng ta có thể tuyển những người đáp ứng yêu cầu, có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan tổ chức”. Nếu làm đúng các giải pháp đã nêu, số lượng biên chế sẽ giảm đồng thời chất lượng đội ngũ sẽ tăng lên, ông Tuấn khẳng định.
Về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết: Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới cơ chế đánh giá, chú trọng kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời ban hành và triển khai một số chính sách về trọng dụng, đãi ngộ người có tài. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai thí điểm thi tuyển và xây dựng tiêu chuẩn chức danh, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý... Công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức tiếp tục được đổi mới theo nguyên tắc cạnh tranh… Tới đây việc xác định vị trí việc làm sẽ được đẩy mạnh. Tất cả những giải pháp này để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước trong thời gian sắp tới.