Ảnh minh họa
Hành chính phục vụ thay hành chính cai trị
Việt Nam có hai căn cứ để xây dựng nền hành chính phục vụ. Thứ nhất, nước ta được tổ chức theo nguyên tắc mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Thứ hai, nhân dân là người nộp thuế để nuôi hệ thống cơ quan nhà nước và các công chức nhà nước. Nếu có tư duy rõ ràng như thế thì cấu tạo, hoạt động và hiệu quả của bộ máy hành chính không như hiện nay.
Việc ban hành các văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính của chúng ta, nếu thấm nhuần tư duy lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ quan trọng hơn là nền hành chính uy quyền hay gọi là nền hành chính cai trị thì các quy phạm pháp luật đó phải đảm bảo được các nguyên tắc: Đại bộ phận nhân dân muốn có được quy phạm đó trong đời sống, quy phạm đó mang tính hiện thực trong đời sống và các hành vi vi phạm của một số cá thể hoặc một thiểu số công dân phải nhận được lần lượt ba loại hành vi từ cơ quan quản lý: Giáo dục thuyết phục, cảnh báo và cuối cùng mới là xử lý.
Đối chiếu với thực tiễn, hệ thống hành chính của chúng ta đã ban hành nhiều loại quy phạm và không được nhân dân đồng tình, không có giá trị áp dụng trong đời sống xã hội. Rất nhiều văn bản quản lý hành chính sau khi ban hành đã bị Bộ Tư pháp kiến nghị hủy bỏ; có văn bản quy phạm khác lạ với cách sống người VN, như cha mẹ cấm con cái đi chơi khuya thì bị phạt vi phạm hành chính vì cản trở quyền tự do công dân là một trong những minh chứng điển hình.
Trong xử phạt vi phạm hành chính thì các quy phạm hầu như chỉ quan tâm đến việc duy nhất là xử phạt tiền. Mỗi lần thay đổi thì xu hướng đều tăng mức phạt tiền. Trong khi đó, nguyên tắc xử phạt hành chính thì cảnh cáo hành chính mới là hình thức xử phạt chính, xử phạt tiền chỉ là hình thức xử phạt bổ sung. Lâu dần, các nhà quản lý hành chính đã quên mất hẳn một nhiệm vụ quan trọng của mình là giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn răn đe.
Nền hành chính cai trị đã tạo ra một hệ thống cán bộ công chức không biết “cười” với nhân dân. Hơn mức như thế, khi công dân có việc liên quan đến hành chính thì họ áp dụng phương pháp hướng dẫn nhiều lần, mỗi lần một chút. Hành chính cai trị đã dẫn đến hậu quả là nó tự làm hỏng hệ thống cán bộ công chức của mình. Những vấn đề như trên là nghiêm trọng, nhưng nghiêm trọng hơn là cơ quan hành chính nhà nước và công chức nhà nước còn sử dụng các "thủ đoạn hành chính" để lừa dối chính cơ quan nhà nước và công dân để tạo ra những bước trượt dài trong lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước. Cơ quan hành chính dùng "thủ đoạn hành chính" là việc đi ngược lại mọi nền quản lý hành chính.
Nguyên tắc hành chính im lặng là hành chính đồng ý
Nguyên tắc này được nhiều quốc gia áp dụng nhằm tăng trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các công chức làm việc tại các cơ quan này.
Công bằng mà nói, hầu hết việc giải quyết các quan hệ pháp luật giữa một bên là cơ quan quản lý hành chính nhà nước, một bên là công dân và tổ chức khác ở nước ta đã được quy trình hóa, thông báo các điều kiện cần thiết khi một bên mong muốn tham gia quan hệ và thời hạn để thực hiện quy trình. Thí dụ như công dân yêu cầu được cấp các loại giấy chứng nhận liên quan đến tài sản, các quyền nhân thân phi tài sản, các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các loại giấy phép... đều có quy định về điều kiện, quy trình, thời hạn. Tuy nhiên, việc thực hiên lại không đúng như vậy.
Nghiêm trọng hơn, thời hạn để giải quyết, nhất là các giải quyết về khiếu nại, tố cáo thì hầu như cơ quan quản lý hành chính không tôn trọng. Từ không tôn trọng về thời hạn dẫn đến nhiều hậu quả: Nhân dân suy diễn và phải tìm cách hối lộ cho nhân viên công quyền để họ phải làm một việc lẽ ra họ phải làm (!); nhân viên công quyền dựa vào tâm lý nói trên để tạo cửa quyền; và, cuối cùng là làm cho nhân dân mất lòng tin vào cơ quan nhà nước.
Chỉ cần áp dụng nguyên tắc hành chính im lặng là hành chính đồng ý và công chức phía cơ quan công quyền phải chịu trách nhiệm bằng các hình thức tương ứng thì ít nhất xã hội ta có thể loại bỏ được 60-70% những vụ tham nhũng nhỏ thông qua phong bao, phong bì.
Nguyên tắc trách nhiệm người đứng đầu
Người đứng đầu các cơ quan hành chính chỉ bị xử lý chủ yếu khi có hành vi tham nhũng hoặc vi phạm các quy phạm đạo đức. Nước ta hầu như chưa xử lý các hành vi đưa ra các quyết định hành chính sai hoặc không ban hành quyết định hành chính mà lẽ ra các quyết định hành chính phải ban hành hoặc không thực hiện đúng quy trình,thời hạn... là các cửa thoát trách nhiệm của công chức mang quyền hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính, nghiêm trọng hơn là những người này coi thường các quan hệ hành chính mà mình thay mặt cho Nhà nước tham gia; giải quyết các quan hệ hành chính một cách tùy tiện và cuối cùng là không lựa chọn được những công chức hành chính và những người đứng đầu các cơ quan hành chính đủ năng lực, chuyên nghiệp.
Do thiếu năng lực và không chuyên nghiệp dẫn đến người đứng đầu hoặc người được ủy quyền thay mặt Nhà nước giải quyết các quan hệ hành chính không quyết đoán. Họ giải quyết các quan hệ hành chính theo kiểu quyết định dựa theo số đông. Để có đủ chứng cứ cho việc dựa theo đám đông, họ phải liên tục và thường xuyên tổ chức các cuộc họp, triệu tập rất nhiều cán bộ của các ngành chuyên môn để nghe phát biểu, giữ biên bản cẩn thận để đối phó với công dân và đối phó với cơ quan cấp trên.
Thông điệp của Thủ tướng về cải cách hành chính là quyết liệt, những mục tiêu là rõ ràng. Tuy vậy, xây dựng một bộ máy hành chính mới nhằm đạt được những tiêu chí mà Thủ tướng nêu ra là cam go, vì hệ thống quản lý hành chính nhà nước đã có “một quán tính” , một sức ỳ quá lớn. Mà quán tính ấy, sức ỳ ấy lại mang tính phe nhóm che đỡ cho nhau (!).
|