|
Mô hình “một cửa điện tử” ở thị xã Điện Bàn. Ảnh: VĂN HÀO |
Chỉ số thành phần thấp
Đã có những chuyển biến tích cực về chỉ số CCHC năm 2015 của 40 đơn vị sở, ban ngành và địa phương cấp huyện so với những năm trước; tuy nhiên vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là chỉ số thành phần cải cách TTHC. Giống như năm 2014, chỉ số thành phần này ở cả cấp sở và cấp huyện đều đạt kết quả thấp nhất trong 8 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số CCHC. Con số thống kê, chấm điểm đưa ra khiến nhiều đơn vị phải suy nghĩ, trong bối cảnh Quảng Nam luôn xác định cải cách TTHC là khâu đột phá để đẩy mạnh CCHC. Cụ thể ở cấp sở, ban ngành năm 2015 đạt trung bình 59,29% (tăng 11,20% so với 2014); cấp huyện đạt trung bình 50,93% (2014 đạt 36,73%).
UBND tỉnh vừa công bố kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2015 đối với 40 đơn vị sở, ban ngành, địa phương cấp huyện. Ở cấp sở có 22 đơn vị, Sở Công thương xếp vị trí đầu tiên (đạt 80,98%, năm 2014 đứng thứ 3); Sở Y tế đứng cuối cùng (đạt 63,04%, 2014 cũng xếp cuối cùng). Cấp huyện có 18 đơn vị, TP.Tam Kỳ dẫn đầu (81,61%, năm 2014 đứng thứ 2); Nam Trà My đứng cuối cùng (48,51%, năm 2014 cũng xếp cuối cùng). |
Để tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách TTHC. Cụ thể từ cuối năm 2014 đến 6.2015, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định như quy định cơ quan tiếp nhận, trả kết quả, thời gian thực hiện TTHC về đất đai trên địa bàn tỉnh; quy định về trình tự, thủ tục, thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp hay công văn chỉ đạo đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng giảm 1/3 tổng thời gian tiếp nhận, luân chuyển và giải quyết hồ sơ, thủ tục… Trên tinh thần đó, ở cấp sở, một số đơn vị đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách chỉ số thành phần này và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Có thể kể đến như Sở VH-TT&DL đã thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đối 49 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết; các Sở Công thương và Giao thông vận tải cũng có bước đột phá nhằm đơn giản hóa TTHC. Đây là 3 đơn vị có chỉ số thành phần cải cách TTHC cao nhất năm 2015, đều đạt 90%. Trong khi đó, nhiều đơn vị lại đạt quá thấp về chỉ số thành phần này, thể hiện rõ độ chênh lệch. Như Sở Y tế chỉ đạt 20%, Sở Khoa học công nghệ đạt 30%. Ở cấp huyện, cao nhất là TP.Hội An cũng chỉ đạt 66,67% về chỉ số cải cách TTHC.
Tại hội nghị triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác CCHC, công bố chỉ số CCHC năm 2015, bàn giải pháp nâng cao các chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu, sau cuộc bầu cử, các địa phương phải tập trung giải quyết những mặt yếu kém. Theo ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ, đẩy mạnh cải cách TTHC là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà mỗi cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa một cách chuyên nghiệp. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2017, phấn đấu 100% số TTHC được đưa vào tiếp nhận, giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Giảm ít nhất 30% tổng thời gian giải quyết TTHC trên cơ sở đơn giản hóa, chuẩn hóa và thống nhất hóa về hồ sơ và quy trình giải quyết TTHC.
Chuyển từ quản lý sang phục vụ
Đổi mới tư duy, thay đổi cách làm
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, để chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ không phải chuyện nói là làm được ngay, do vậy cần phải đổi mới tư duy, thay đổi cách làm. Để triển khai chương trình hành động từ nghị quyết Tỉnh ủy đề ra, đồng chí Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu thực hiện theo 2 nguyên tắc. “Thứ nhất, cách làm phải đi từ trên xuống, không đi từ dưới lên. Nội dung, công việc gì cấp trên giải quyết, xử lý được thì xử lý ngay. Lâu nay, sau mỗi cuộc họp là cứ chuyển báo cáo xuống sở ngành, đơn vị cụ thể. Rồi các đơn vị này tiếp tục chuyển xuống cấp thấp hơn, trong khi cán bộ cấp dưới không được dự họp thì bảo làm sao họ giải quyết được. Còn nguyên tắc thứ 2 cũng rất quan trọng mà lâu nay chúng ta bỏ quên, đó là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Cần xây dựng hệ quy chiếu đánh giá năng lực người đứng đầu. Lãnh đạo quản lý tốt, bộ máy sẽ chạy ro ro, ngược lại nếu thiếu trách nhiệm sẽ kéo theo các thủ tục rườm rà, có gương mẫu mới truyền được nhiệt huyết đến bộ phận cấp dưới” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.
|
UBND tỉnh vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba (khóa XXI) về đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2016 - 2020, với từng mục tiêu, giải pháp cụ thể. Mục tiêu chung là đổi mới tư duy từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân; quyết tâm nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao…
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh, việc đổi mới tư duy, nhận thức của người lãnh đạo và cán bộ, công chức để chuyển từ nền hành chính quản lý sang phục vụ, toàn tỉnh đã vào cuộc triển khai. Nhưng từ Nghị quyết hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba (khóa XXI) về đẩy mạnh cải CCHC, nhiệm vụ trên sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn. “Các đơn vị cần phân tích chỉ số nào đạt được, chỉ số nào chưa đạt để tìm hướng giải quyết. Tỉnh vào cuộc cùng với các ngành, địa phương để thúc đẩy CCHC với 2 phương châm thực hiện: chuyển từ nền hành chính quản lý sang phục vụ và tiếp nhận, thẩm tra, trả kết quả tại chỗ” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
Theo chương trình hành động của tỉnh, đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành việc rà soát toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đồng thời sắp xếp, tinh giản bộ máy trong toàn tỉnh; đảm bảo hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh tới cơ sở thông suốt, tinh gọn... Giai đoạn 2016 - 2017, sẽ đưa vào vận hành chính thức Trung tâm Hành chính dịch vụ công tỉnh và Trung tâm Hành chính dịch vụ công TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn. Hướng đến mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt hơn 75%; đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt hơn 70% vào năm 2017. Phấn đấu ít nhất có 60% cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.