Khó định hình sản phẩm đầu ra
Ông Võ Hoàng Anh - Trưởng phòng Tổng hợp tổ chức tài chính Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, theo kết quả xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc, biên chế theo chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong năm 2015 có 43 vị trí làm việc, số lượng người làm việc là 40, biên chế cần thiết 40.
Theo bản mô tả công việc vị trí việc làm (ban hành kèm theo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8.5.2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập), việc xác định sản phẩm đầu ra còn chung chung, việc kê khai công việc của cán bộ, nhân viên còn định tính, khái quát. “Trung tâm chúng tôi có Phòng Thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ thu thập thông tin, số liệu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tình hình biến động lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp có tháng họ báo cáo, có tháng không. Vì vậy, việc xác định sản phẩm đầu ra cho cán bộ, nhân viên nhiều lúc gặp khó khăn. Ngoài ra, có người kiêm nhiệm nhiều việc nên việc kê khai còn lúng túng, không biết mô tả sao cho phù hợp” - ông Anh nói.
|
Phòng Bảo hiểm thất nghiệp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giải quyết chế độ cho người lao động. Ảnh: VĂN HÀO |
Để xây dựng đề án vị trí việc làm, mỗi cán bộ, công chức, người lao động phải làm mô tả công việc theo từng vị trí việc làm đảm nhiệm, sản phẩm của mỗi công việc mà vị trí việc làm đó phải đảm nhận. Đây là căn cứ để người đứng đầu đơn vị giao việc, theo dõi, đánh giá việc tổ chức thực hiện công việc của mỗi vị trí việc làm. Đồng thời là căn cứ để thực hiện công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng người làm việc theo vị trí việc làm mà người đó đảm nhận. Tuy nhiên, ông Lê Quang Hạt - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình cho rằng, việc xác định sản phẩm đầu ra của công việc có 2 loại: hữu hình và vô hình. Ví dụ, để có một sản phẩm mang tính quy mô, tầm cỡ thì phần sáng kiến, lên ý tưởng nhiều khi lại thuộc về người khác, đó chính là công việc vô hình. Phần công sức này phải được xác định rạch ròi đối với từng người. Trong khi đó, biểu mẫu hướng dẫn kê khai sản phẩm đầu ra công việc còn chung chung, chưa sát thực tế.
Chưa thể thẩm định
Năm 2014, TP.Tam Kỳ triển khai xây dựng các đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức các cơ quan chuyên môn; xác định việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố. Theo kết quả xác định vị trí việc làm, số người làm việc, biên chế theo chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu hoạt động của cơ quan chuyên môn giai đoạn 2014 - 2016, thì năm 2016 số lượng vị trí việc làm là 150, số người làm việc 157, biên chế cần thiết 123. Về xác định cơ cấu công chức theo ngạch: chuyên viên cao cấp và tương đương 1/150, chuyên viên hành chính và tương đương 44/150, chuyên viên và tương đương 78/150.
Với các đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2016 có 683 vị trí việc làm, 1.426 số người làm việc và 1.333 biên chế cần thiết. Theo đánh giá từ các đề án, một bộ phận cán bộ, công chức phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, công việc dẫn đến tính chuyên môn hóa chưa cao. Tình trạng bố trí cán bộ, công chức trái ngành vẫn còn tồn tại; bố trí viên chức, người lao động vẫn còn nhiều bất cập, đôi lúc dễ dãi, chưa phù hợp giữa vị trí công tác với chuyên ngành đào tạo. Vì vậy, nếu được thẩm định và thông qua, việc hiện thực hóa đề án vị trí việc làm sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý và chất lượng công vụ của thành phố.
Theo ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, sau khi có chủ trương xây dựng đề án vị trí việc làm, căn cứ thông tư hướng dẫn phương pháp xác định vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, trung tâm bắt tay vào xây dựng đề án để rà soát từng vị trí việc làm, cần bao nhiêu người làm việc. Đề án đã gửi Sở LĐ-TB&XH trình Sở Nội vụ từ năm 2014, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm. Trong khi đó, Luật Việc làm có hiệu lực từ đầu năm 2015 nên cần có những điều chỉnh lại so với đề án trước đây. “Chúng tôi xác định xây dựng đề án vị trí việc làm là nhiệm vụ trọng tâm để sắp xếp, bố trí hiệu quả nhân lực. Để tuyển dụng 1 người mới, buộc phải tinh giản được 2 người theo như Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Nhưng việc tinh giản gặp nhiều thách thức (trung tâm có 12 biên chế), trong khi nhu cầu công việc hiện nay cần người năng lực, trình độ cao hơn. Việc cơ cấu, chuẩn hóa đội ngũ người làm việc vẫn còn gặp nhiều khó khăn” - ông Tưởng nói.
Ông Trương Thạnh - Trưởng phòng Tổ chức biên chế Sở Nội vụ cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các sở ngành, địa phương cấp huyện, đơn vị sự nghiệp đã triển khai đồng bộ xây dựng đề án vị trí việc làm. Tuy nhiên hiện vẫn còn vướng mắc một số quy trình nên chưa được thẩm định. “Việc kê khai, mô tả công việc của từng cá nhân vẫn còn nhiều bất cập. Tâm lý ai cũng muốn kê khai nhiều việc để được tồn tại, vì nếu kê khai ít việc thì sợ đưa vào diện tinh giản. Một số đơn vị còn muốn tăng thêm biên chế nên chưa mô tả đúng thực chất công việc. Mục đích của đề án là xác định cho được số lượng người làm việc cụ thể, đúng từng vị trí nhưng việc kê khai công việc còn chung chung như vậy nên các đề án đến nay vẫn chưa được Bộ Nội vụ phê duyệt” - ông Thạnh nói.