Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Để minh họa cho việc kéo dài tuổi hưu, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra những luận cứ: Tuổi thọ của NLĐ ngày càng tăng; trung bình tuổi thọ của 2 giới tính tại Việt Nam là 76,6, trong khi đó của thế giới chỉ 72 tuổi; so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ khá cao.
Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn đến số người thất nghiệp và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, gây ra những vấn đề xã hội bức xúc và tạo tâm lý không hài lòng đối với một bộ phận lớn NLĐ, nhất là trong các doanh nghiệp (DN). Việc điều chỉnh dần dần không chỉ cần thời gian cho NLĐ và DN thích nghi mà còn để thị trường lao động điều chỉnh.
Lâu nay, chuyện kéo dài tuổi hưu là sự giằng co quan điểm khi đứng trên thực trạng của 2 lực lượng: Cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và NLĐ trong DN. Nhiều CB-CC-VC khi đến tuổi hưu hiện tại (60 với nam và 55 với nữ) còn đủ sức khỏe, có thể tiếp tục làm việc với nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Trong khi làm trong những ngành nặng nhọc, độc hại thì NLĐ chưa đến tuổi hưu đã không đủ sức tiếp tục làm việc. Nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật bảo hộ lao động cho biết đến năm 40 tuổi, sức bền cơ bắp của nữ giảm còn 91,6%, trong khi nam 96,8% và đến 50 tuổi, nữ chỉ còn 76,9%, nam 88,1%...
Quan điểm để thị trường lao động điều chỉnh là xác đáng. Vậy có nên chấp nhận trả giá cho việc kéo dài tuổi hưu, nếu thực sự những CB-CC-VC còn sức khỏe và năng lực, muốn tiếp tục làm việc, cống hiến? Mỗi năm 400.000 CB-CC-VC tiếp tục làm việc cũng đồng nghĩa 400.000 lao động trẻ mất đi cơ hội việc làm. Đây cũng là cơ hội cho những kẻ muốn "chạy" ghế, "chạy" hưu thêm thuận lợi để đạt mục đích của mình. Trong khi đó, những NLĐ là công nhân trực tiếp muốn nghỉ hưu sớm lại phải mỏi mòn chờ.
Giải được bài toán giữa 2 nhóm đối tượng này không dễ, chấp nhận có những tác động nhất định để dứt điểm là điều cần tính đến. Song vẫn cần chủ trương phù hợp hơn, chẳng hạn với đối tượng công nhân trực tiếp để họ không hụt hẫng, thiệt thòi. Một tấm lưới an toàn cũng là cần thiết để công nhân và lao động trẻ bớt sốc khi chủ trương được vận hành.
Một chủ trương đúng sẽ thành công khi đạt sự đồng thuận và đem lại công bằng cho người thụ hưởng.