Nếu như trước đây, Điều 25 của Luật Viên chức quy định, sau khi viên chức trúng tuyển sẽ được ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng). Sau khi thực hiện xong hợp đồng này, viên chức sẽ được chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Điều này có nghĩa là, viên chức được đảm bảo một vị trí ổn định, lâu dài, thậm chí đến tận khi nghỉ hưu trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, Điều 25 nêu trên đã được điều chỉnh.
Cụ thể, sẽ chỉ còn 03 trường hợp được xem xét ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Tất cả các trường hợp chưa thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn phải ký hợp đồng xác định thời hạn.
Như vậy, nếu dự thảo Luật này được thông qua, chế độ viên chức suốt đời sẽ được xóa bỏ. Quy định này được cho là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Cụ thể, tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ chế độ biên chế suốt đời.
Sắp hết thời viên chức suốt đời? (Ảnh minh họa)
3 trường hợp hưởng chế độ biên chế suốt đời
Nếu như trước đây, viên chức thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn nghiễm nhiên chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn, thì theo dự thảo này, chỉ còn 03 trường hợp được ký hợp đồng không xác định thời hạn, gồm:
- Viên chức đã ký hợp đồng xác định thời hạn trước ngày Luật sửa đổi có hiệu lực
- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức
- Viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Việc xóa bỏ chế độ viên chức suốt đời được cho là phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhằm tránh tình trạng giữ ghế, cản trở tinh giản biên chế và giúp lọc ra những người không đủ năng lực trong các cơ quan, đơn vị.