1 - Giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã
Đây hẳn là tin không vui đối với cán bộ, công chức cấp xã. Theo đó, từ ngày 25/6/2019, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được ấn định như sau:
- Loại 1: Tối đa là 23 người - thay vì 25 người như trước
- Loại 2: Tối đa là 21 người - thay vì 23 người như trước
- Loại 3: Tối đa là 19 người - thay vì 21 người như trước
Như vậy, tất cả các loại cán bộ, công chức cấp xã đều giảm biên chế 02 người so với trước đây. Điều này có nghĩa, khi quy định này được áp dụng, nếu các xã, phường, thị trấn đang có số cán bộ, công chức xã vượt mức thì có khả năng phải thực hiện tinh giản biên chế?
Giảm số lượng của cán bộ, công chức cấp xã (Ảnh minh họa)
2 - Thay đổi cách thức thi tuyển vào công chức cấp xã
Tương tự như thi tuyển công chức nói chung, thi tuyển công chức cấp xã từ ngày 25/6/2019 sẽ được tổ chức thành 02 vòng.
- Vòng 1: Thi trắc nghiệm
Có thể thi trên máy tính hoặc thi trên giấy với địa phương chưa có điều kiện thi trên máy tính.
Gồm: Thi Kiến thức chung và thi Tin học. Nếu thi trên máy tính thì chỉ thi Kiến thức chung.
- Vòng 2: Thi Nghiệp vụ chuyên ngành.
Thi theo hình thức phỏng vấn hoặc thi viết về kiến thức, năng lực, kỹ năng thực hiện công việc.
3 - Có bằng giỏi được tuyển thẳng vào công chức cấp xã
Trước đây, cử nhân có bằng đại học loại giỏi sẽ được miễn thi tuyển vào công chức cấp xã, thay vào đó chỉ phải trải qua xét tuyển.
Tuy nhiên, Nghị định 34 đã sửa đổi quy định nêu trên, theo đó các đối tượng này sẽ được tuyển thẳng, không cần qua thi tuyển hay xét tuyển.
Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng được hưởng quyền lợi trên, như: Người tốt nghiệp đại học loại khá trở lên ở nước ngoài, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng…
4 - Nhiều đối tượng được ưu tiên tuyển dụng vào cấp xã
Theo Nghị định 34, có tới 21 đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên trong thi tuyển và xét tuyển vào công chức cấp xã.
Trong đó có một số đối tượng điển hình như: Con thương binh, con liệt sĩ, con bệnh binh, Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ…
Các đối tượng nêu trên sẽ được cộng 02 điểm vào điểm của vòng 2.
5 - Thay đổi cách tính lương, phụ cấp cho nhiều công chức cấp xã
Nghị định 34 có một số điều chỉnh về cách tính lương, phụ cấp của nhiều đối tượng cán bộ, công chức cấp xã như sau:
- Cán bộ cấp xã đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức, ngoài hưởng lương hưu và trợ cấp, được hưởng thêm một khoản phụ cấp bằng 100% mức lương bậc 1 của chức dang đang đảm nhiệm, không phải đóng bảo hiểm (trước đây chỉ hưởng 90%);
- Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tại mục 1 nêu trên thì được phụ cấp kiêm nhiệm gồm 50% mức lương bậc 1 + phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh kiêm nhiệm (trước đây chỉ được 20% mức lương hiện hưởng).
Nghị định 34 thay đổi cách tính lương, phụ cấp cho nhiều công chức cấp xã (Ảnh minh họa)
6 - Xóa bỏ chế độ phụ cấp theo loại xã
Trước đây: Cán bộ theo loại xã được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) với mức 10%, nếu là cán bộ loại 1 và 5%, nếu là cán bộ loại 2.
Tại Nghị định 34: Chế độ phụ cấp này được xóa bỏ.
7 - Ấn định mức phụ cấp với Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố
Nghị định 34 quy định mức phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố như sau:
Ngân sách Nhà nước sẽ thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 03 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng với các đối tượng: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố và Trưởng Ban công tác mặt trận.
Trên đây là tổng hợp những điểm mới của Nghị định 34 về cán bộ, công chức cấp xã… Ngoài ra, Nghị định này còn có 03 quy định mới về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.