|
Quang cảnh hội nghị đánh giá 4 bộ chỉ số ngày 31.5.Ảnh: T.D |
Chưa ổn định
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy 4 bộ chỉ số của Quảng Nam đều ở mức trung bình và thể hiện tính không ổn định. Chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công) được cho là công cụ chính sách nhằm đo lường, theo dõi hiệu quả công tác quản trị, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước dựa trên trải nghiệm và cảm nhận của người dân đã bị đánh giá thấp. Kết quả năm 2018, Quảng Nam đứng vị thứ 44 (đạt 43,14 điểm, giảm 17 bậc).
Cụ thể, có 3 chỉ số nằm trong nhóm đạt điểm trung bình cao (chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và chỉ số quản trị môi trường), 3 chỉ số nằm trong nhóm đạt điểm trung bình thấp (chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở, chỉ số công khai minh bạch và chỉ số cung ứng dịch vụ công) và 2 chỉ số thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất (chỉ số thủ tục hành chính công và chỉ số quản trị điện tử). Chỉ số ICT INDEX (ứng dụng công nghệ thông tin) năm 2018 của Quảng Nam đứng thứ 41/63 tỉnh, thành, tụt 1 bậc so năm 2017.
Không bị đánh giá thấp như PAPI, ICT INDEX, chỉ số PAR INDEX 2018 (chỉ số cải cách hành chính) do Bộ Nội vụ đánh giá đã có sự tăng trưởng rõ nét.
Dù vẫn xếp hạng 44/63 tỉnh, thành nhưng đã tăng điểm (1,95) và tăng 8 bậc so với năm 2017, đứng vào nhóm B (thuộc các tỉnh, thành đạt chỉ số trung bình cao, từ 70% đến dưới 80%).
Có 3 tiêu chí đạt chỉ số thành phần trên 80% như công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính 80,56% (xếp thứ 21/63 tỉnh, thành), cải cách thủ tục hành chính 87,66% (xếp vị thứ 28/63 tỉnh, thành) và tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội 82,07% (xếp thứ 23/63).
Nhất là chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính) 10,04/12 điểm thể hiện sự hài lòng của doanh nghiệp và dân chúng với chính quyền đã ngày càng gia tăng.
Nổi bật nhất là PCI 2018 – một chỉ số của doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền đã có sự ổn định khi tăng nhẹ điểm số, giữ nguyên thứ hạng với điểm số tổng hợp 65,85, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành, một trong 7 địa phương thuộc nhóm điều hành tốt và xếp thứ 2/12 khu vực duyên hải miền Trung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho hay những thống kê này cho thấy đã có sự nỗ lực của hệ thống chính trị trong việc cải thiện các bộ chỉ số, nhưng năng lực cải cách vẫn chưa thể đạt yêu cầu. Năng lực cạnh tranh chưa ổn định, thiếu bền vững khi các chỉ số thành phần biến động, tăng giảm không đều...
Kiện toàn mục tiêu 3 giảm
Bốn bộ chỉ số trên đã chính thức “tham dự” vào tiến trình cải cách môi trường kinh doanh. Không ít nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về nâng cao các bộ chỉ số này, nhất là đã hình thành trung tâm hành chính công được xem như một mô hình kiểu mẫu trong việc giải quyết thủ tục hành chính đã được hiện thực hóa, nhưng tại sao có sự đảo chiều liên tục và thiếu bền vững?
Ông Đinh Văn Vũ – Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công Quảng Nam nói đã có chủ trương, kế hoạch thực hiện quy trình 4 bước hoặc xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3&4, nhưng đa số các sở, ngành không bố trí lãnh đạo, nhân viên xử lý hồ sơ nên quy trình 4 bước chưa thể thực hiện suôn sẻ được. Ngay như quy chế xin lỗi đã ban hành nhưng gần như công dân, doanh nghiệp đều không biết được hồ sơ của họ có bị vướng ở đâu, bao giờ giải quyết xong. Khi họ yêu cầu trả kết quả thì trung tâm này không có kết quả để trả, trong khi đó, liên hệ các sở, ngành thì cũng nhận được câu trả lời là họ cũng không biết chính xác thời gian để hoàn tất.
Chỉ số ICT INDEX cũng đã bị đánh giá thấp. Theo phân tích của Sở Thông tin & truyền thông, sở dĩ ICT INDEX giảm điểm, giảm hạng bởi hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư, tỷ lệ kết nối mạng WAN còn thấp… Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Quảng Nam hiện nay chỉ 15% so với mức cao nhất của cả nước là 34%.
Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay chính quyền sẽ phân cấp, ủy quyền, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm 3 mục tiêu lớn nhất của Quảng Nam “giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí” cho người dân, doanh nghiệp. Không thể trì hoãn quy trình 4 bước (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả), ít nhất bảo đảm 50% thủ tục hành chính được giải quyết theo quy trình này tại Trung tâm Hành chính công.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, cải cách hành chính được chọn là 1 trong 4 khâu đột phá của Quảng Nam. Thành công có thể nhìn thấy rõ từ việc cắt giảm, công khai thủ tục hành chính đã kết nối chính quyền, người dân, doanh nghiệp nhanh gọn, giảm bớt sự phiền hà. Nền hành chính “mệnh lệnh” đã chuyển dần sang chính quyền “phục vụ” với chất lượng, trách nhiệm của cán bộ, công chức viên chức. Tăng trưởng kinh tế (1 trong 10 tỉnh thành ở tốp thu ngân sách 20.000 tỷ đồng) thể hiện sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, nâng cao vị thế cơ quan công quyền. Tuy nhiên, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn còn những hạn chế nhất định. Cần xác lập niềm tin về năng lực điều hành bằng việc nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát quyền lực, thường xuyên đánh giá năng lực cạnh tranh, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao đạo đức công vụ.
“Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là sự thành công của nền hành chính. Phấn đấu đưa Quảng Nam là một trong các tỉnh, thành dẫn đầu khu vực về thực hiện cải cách hành chính. Kết quả cải cách hành chính là thước đo đánh giá xếp loại các bộ các cấp…” - ông Dũng nói.